Giống và chế độ chăm sóc là hai yếu quan trọng nhất trong canh tác, sản xuất. Giống tốt sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, năng suất. Chế độ chăm sóc tốt sẽ giảm được giá thành, hạn chế sau bệnh hại. Hôm nay, hãy theo chân trang trại Hồng Điển khám phá 10 giống bưởi ngon – bưởi năng suất cao ở Việt Nam.
Giống bưởi năng suất cao
1. Bưởi Da Xanh
Xuất xứ
Bưởi da xanh là một giống bưởi ngon có nguồn gốc đầu tiên ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Giống bưởi này đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam công nhận là giống bưởi quốc gia. Bưởi da xanh đã được xuất khẩu sang 50 thị trường khác nhau trên thế giới. Trong điều kiện bình thường quả bưởi da xanh có thể để lâu hơn 15 ngày.
Đặc điểm
Kích thước: Cây cao tầm 4-5 m
Vị: 3 phần ngọt, một phần chua, rôn rốt, thơm mát
Khối lượng bưởi da xanh 1,2 – 2,4 kg/trái, bưởi có dạng hình cầu, vỏ bưởi dễ lột và có màu xanh thẫm, tép bưởi màu hồng đỏ, bó chặt và dễ tách múi; mùi thơm; không hạt đến khá nhiều hạt (có thể có đến 30 hạt/trái)
Giá bán bưởi da xanh 2021 tham khảo: Bưởi da xanh loại 1 có giá 28.000 đ/kg. Loại trung bình: 12.000-15.000 đồng/kg
2. Bưởi diễn
Xuất xứ
Bưởi Diễn là một giống bưởi ngon nổi tiếng thuộc làng Diễn trước đây, nay thuộc các phường Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Là loài cây ăn quả lâu năm, thuộc nhóm cây có múi, thân gỗ, khá dễ trồng thích hợp nhất trên loại đất thịt.
Đặc điểm
Cây khi trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch sẽ có chiều cao trên 2 -4 mét, bề rộng tán cũng vậy. Cây bưởi Diễn ra quả 1 năm 1 lần, thường ra hoa vào tháng hai, quả chín đúng vào dịp tết. Khi bước vào thời kỳ chính thức cho thu (thường là năm thứ 5) một cây có thể cho 80 trái.
Về quả bưởi Diễn, khác biệt với các loại quả bưởi khác, nó có kích thước nhỏ, đường kính chừng 15 cm, trọng lượng 0,8 – 1 kg.
Phần cùi và vỏ của đặc sản này rất mỏng người bổ phải rất khéo nếu không muốn cắt vào ruột. Vỏ quả khi chín sẽ có màu vàng sậm.
Vị bưởi: Múi bưởi có tôm vàng óng, hạt bên trong se nhỏ, khi ăn sẽ thấy vị ngọt đậm đà, khi ăn xong rồi còn lưu mãi ở đầu lưỡi. Mùi thơm của bưởi dễ chịu
Giá bán bưởi diễn năm 2021 tham khảo: 30.000-35000 đồng/quả.
3. Bưởi Rịa
Xuất xứ
Bưởi rịa là giống bưởi ngon, có nguồn gốc tại Tổ dân phố Chuyên Mỹ – xã Châu Giang – Huyện Duy Tiên – Tỉnh Hà Nam. Đây là giống bưởi năng suất cao
Đặc điểm
Thân bưởi cao cỡ 4-6 m. Là giống bưởi chín sớm và cho năng suất cao. Bưởi được thu hoạch vào tháng 7- tháng 8 âm lịch vào rằm trung thu.
Quả bưởi chín có màu xanh, trái có hình bầu dục và dài. Khối lượng quả dao động từ 1.2 kg – 1.5kg.
Vị bưởi: Vị ngọt mát ăn giống bưởi da xanh, vị thơm khó cưỡng lại. Múi bưởi dóc, tôm vàng dễ tách.
Giá bưởi rịa 2021 tham khảo: 30.000-35.000 đồng/quả
4. Bưởi Tân Lạc
Xuất xứ
Cây Bưởi Đỏ Tân Lạc Hòa Bình (bưởi đào Tân Lạc) là giống bưởi ngon có nguồn gốc chính xác tại xã Khánh Thương , huyện Ba Vì , Hà Nội . Cây bưởi này đã được đưa về trồng đầu tiên tại nhà ông Trần Hùng ở xóm Tân Hường 1 , xã Thanh Hối , Huyện Tân Lạc từ đầu năm 2004.
Đặc điểm
Cây có chiều cao từ 4 – 6mét. Tán cây phổ rộng và dài.
Có thể nói hiếm có loại bưởi nào cho năng suất cao như giống bưởi đỏ Tân Lạc. Một cây khoảng từ 5 năm trở đi cho đều đặn từ 260-320 quả một cây/ năm.
Bưởi Tân Lạc to tròn căng mọng, quả chín có màu vàng nhạt có khối lượng 1.2-1.6 kg.
Tép bưởi bên trong màu hồng đỏ, mọng nước và có vị ngọt và không có vị đắng như một số giống bưởi khác.
Giá bán bưởi Tân Lạc năm 2021: 42.000 đồng/quả
5. Bưởi Đường Cát Quế
Xuất xứ
Là giống bưởi ngon, ở làng Quế Dương, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức có một giống bưởi quý mà cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán người dân quanh vùng lại cố tìm mua cho được vài ba quả để về đặt lên bàn thờ.
Đặc điểm
Bưởi đường chín sớm trồng chỉ sau khoảng 4 năm ra quả, cây cho quả ngon nhất từ 7 tuổi trở đi. Cây trưởng thành có thể cho 200 – 400 quả/cây. Tuổi thọ của cây bưởi trung bình từ 30 – 40 năm. Vụ thu hoạch vào tháng 8 âm lịch. Mỗi năm nhà tôi thu hái được khoảng 1.000 – 2.000 quả bưởi đường chín sớm”.
Bưởi đường Quế Dương loại to có trọng lượng dao động từ 0,8-1,2kg/quả; quả nhỏ từ 0,5-0,6kg. Vỏ bưởi mỏng, sọ to, vị bưởi ngọt, thanh mát được các cửa hàng bán hoa quả an toàn ở Hà Nội rất ưa chuộng.
6. Bưởi Tứ Xuyên
Xuất xứ
Bưởi Tứ Xuyên hay còn có tên gọi là bưởi lùn Tứ Xuyên. Bưởi lùn tứ xuyên có nguồn gốc từ Thái Lan. Khi được trồng ở Trung Quốc được các nhà lai tạo giống gieo trồng và chăm sóc nên hiện nay trở thành một trong ba giống bưởi có giá trị kinh tế cao nhất cùng với bưởi đỏ Phúc Kiến.
Tên gọi bưởi lùn Tứ Xuyên được đặt là do đặc tính thấp bé của cây bưởi khi trưởng thành chỉ cao trung bình tầm hơn 1 mét. Tuy nhiên đừng vội xem thường loại bưởi này khi nhìn bề ngoài. Bưởi Tứ Xuyên cho ra quả rất sớm và năng suất quả không thua kém bất kì loại bưởi nào.
Là giống bưởi ngon, với hương vị chua chua ngọt ngọt ăn rất ngon, quả sai và cùi mỏng. Bưởi Tứ Xuyên từ lâu đã trở thành loại bưởi nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc và giờ đây còn lan sang cả nước ta hứa hẹn trở thành giống cây phát triển kinh tế trong tương lai.
Đặc điểm
Bưởi lùn Tứ Xuyên có nhiều đặc điểm khác biệt so với các giống bưởi khác. Đầu tiên là cho ra quả rất sớm. Nếu như bưởi thông thường cây phải cần từ 3 trở nên và mất 5 năm mới cho ra quả thì bưởi tứ xuyên chỉ cần 3 năm và cao trên 1 mét đã có thể cho quả.
Đặc điểm thứ 2 khá kì lạ ở bưởi lùn tứ xuyên là quả mọc thành từng chùm như chùm nho ở bên dưới những cành thấp. Chính vì hình dáng cây thấp và nhỏ nên việc chăm sóc và thu hoạch loại bưởi này cũng khá dễ dàng không tốn nhiều công sức.
Cây bưởi tứ xuyên thấp và nhỏ nên dễ chăm sóc và thu hoạch
Bưởi tứ xuyên vị thơm ngon chua chua ngọt ngọt khá lạ
Một đặc điểm khá khác biệt của giống bưởi tứ xuyên này là quả chín khá muộn. Chúng chín muộn hơn đến 3 tháng so với những giống bưởi khác. Do thời gian sinh trưởng dài nên bưởi tích lũy được nhiều dinh dưỡng hơn nên chắc chắn sẽ thơm ngon hơn.
Một cây trung bình sẽ cho khoảng 60 quả một năm. Mỗi quả nặng trung bình từ 1 đến 1,2kg. Khi chín quả có màu vàng khá đẹp. Bên trong cùi mỏng tép có màu hồng nhạt khá căng và mọng nước. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị thơm ngon chua chua ngọt ngọt khá lạ.
7. Bưởi Phúc Trạch
Xuất xứ
Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi ngon, là đặc sản của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, được trồng tập trung chủ yếu ở 4 xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên. Có 10 xã phụ cận cũng trồng loại bưởi này. Phủ phúc trạch thời Nguyễn nơi được cho là tạo ra thứ bưởi này ngon nhất.
Đặc điểm
Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, màu sắc thịt quả màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong.
Khối lượng quả đạt từ 1-1,5 kg, số múi 14-16 múi/quả, múi dóc, có mùi thơm nhẹ tự nhiên hơi đặc trưng, có vị ngọt hơi thanh chua, ngọt hậu.
Năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một trong bảy loại cây ăn quả quý hiếm cấm không được xuất khẩu giống.
Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch.
8. Bưởi năm roi
Xuất xứ
Bưởi năm roi là giống bưởi ngon do ông Trần Văn Bưởi (1918 – 1990) người làng Mái Dầm (nay là thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) tìm thấy. Sinh thời, ông Bưởi làm nghề buôn bán trên sông.
Một tối ông ngủ lại trên ghe bầu ở Tân Châu (vùng Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang thời Pháp thuộc) thì vô tình nhặt được một trái cây trên sông. Trái cây da có màu xanh, ruột màu đỏ vàng. Xé ra nếm thử thấy vị ngon, mọng nước, ông lấy hột mang về quê Phú Hữu (chợ Mái Dầm) để trồng.
Sau khi giống bưởi này được phổ biển khắp vùng quê ông Trần Văn Bưởi, nhiều người từ các nơi khác cũng đến xin giống cây về trồng. Ngày nay, bưởi Năm Roi được trồng nhiều nhất là ở Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang và Bình Minh, Vĩnh Long.
Ở Phú Hữu người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được một trái bưởi 3–4 kg có trái còn nặng tới 5 kg, những trái lớn như vậy chỉ có vào một hai mùa đầu, người dân gọi là bưởi tơ. Vào các mùa sau thì bưởi cho trái nhiều hơn, thường xuyên hơn. Ngày nay người nông dân có thể cho trái quanh năm, tháng nào cũng có thể được thưởng thức bưởi Năm Roi chín.
Còn về tên gọi, tương truyền khi xưa, vì sợ con cháu trong nhà hái trái làm mất giống cây quý nên ông Bưởi đe: “Đứa nào mà hái trái cây của ông Bưởi là ông đánh năm roi nghe chưa”. Vì câu nói của ông, giống bưởi có tên gọi là “Năm Roi”. Bưởi Năm Roi cũng có tên gọi riêng từ đó.
Đặc điểm
Bưởi Năm Roi ít hạt hoặc không có hạt, múi bưởi đều, dễ tách, các con tép vàng đều, mọng nước nhưng ráo, mùi thơm đậm đà, đặc trưng mang nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể người.
Bưởi Năm Roi là giống cây trồng lâu năm, thân gỗ có tán rộng, chiều cao trung bình từ 3 – 4m. Hoa thường mọc thành chùm ở nách lá, mỗi chùm có từ 6 – 7 bông, hoa bưởi có màu trắng sữa. Bưởi năm có hình giống trái lê, hình tháp đáy rộng, thường mọc thành 1 chùm 3 quả một, mỗi quả có trọng lượng trung bình từ 1,5 – 3 kg.
Vỏ bưởi mỏng rất dễ bóc, khi chín chuyển sang màu vàng, bên trong có ruột trắng. Múi bưởi Năm Roi rất đều, vị ngọt thanh xen lẫn vị chua rất dễ chịu mà không giống bưởi nào có được, đặc biệt hơn chính là bưởi năm roi sẽ có mùi hương rất đậm.
Về sinh trưởng, loại cây này có khả năng sinh trưởng và phát triển khá tốt, có thể thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khí hậu khác nhau. Sau từ 2,5 – 3 năm cây có thể cho thu hoạch được, tuổi thọ cây cũng khá bền, có thể cho thu hoạch tới 20 năm những chất lượng quả vẫn rất cao.
9. Bưởi Luận Văn
Xuất xứ
Bưởi Luận Văn là giống bưởi ngon có nguồn gốc từ thôn Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam.
Giống bưởi Luận Văn gắn liền với khu di tích lịch sử Lam Kinh. Theo truyền thuyết, vào đầu thế kỉ 15, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã đóng quân tại đây và lấy tên làng Luận Văn đặt cho sản phẩm bưởi của làng. Đây cũng là bưởi tiến vua của vùng đất này.
Đặc điểm
Bưởi Luận Văn có hình bầu dục, đỉnh quả lồi, đường kính quả từ 15 cm đến 15,6 cm, chiều cao quả từ 15 cm đến 15,8 cm. Quả bưởi chín từ khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch nhưng có thể giữ trái trên cây đến dịp Tết Nguyên Đán.
Bưởi Luận Văn có màu đỏ đặc trưng cho vỏ và thịt quả, cùi cũng có màu phớt hồng. Quả bưởi có vị ngọt nhẹ, chua dịu. Do màu đỏ và mùi thơm đặc trưng, bưởi Luận Văn thường được người dân trong vùng chọn để bày trên bàn thờ nhân dịp Tết với mong muốn mang lại sự may mắn và phát tài.
Một trong những nguyên nhân tạo nên chất lượng đặc thù của bưởi Luận Văn là do điều kiện thổ nhưỡng. Đất của vùng trồng bưởi này chủ yếu là đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất hoặc đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng, tầng đất mặt dày trên 30 cm, tơi xốp và ẩm.
Tháng 12 năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00039 cho sản phẩm bưởi “Luận Văn” cho khu vực địa lý gồm xã Thọ Xương và xã Xuân Bái, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Cho đến năm 2014, giống bưởi Luận Văn đã được nhân rộng ra một số xã cùng huyện Thọ Xuân như Xuân Lam, Xuân Phú.
10. Bưởi hoàng
Xuất xứ
Bưởi Hoàng là giống bưởi ngon, có nguồn gốc từ thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Qua tìm hiểu thì biết đây là giống cây lâu đời đặc sản được người dân gìn giữ qua nhiều thế hệ. Có lẽ hợp với thổ nhưỡng nơi đây mà chỉ có nơi đây mới cho giống quả to thơm ngon mọng nước đến thế.
Đặc điểm
Bưởi hoàng quả to thơm ngon mọng nước
Đây là loại bưởi có dạng chiều cao trung bình 2,5m. Qủa có dạng hình tháp cao và đáy quả rộng khá đặc trưng.
So với những giống bưởi khác thì đây là giống bưởi to. Trọng lượng trung bình mỗi quả rơi vào khoảng 1,5 đến gần 2kg.
Vỏ quả bưởi Hoàng có màu xanh nhạt khi chín sẽ ngả sang màu vàng rơm khá đẹp. Bên trong tép bưởi có màu trắng ngọc dễ tách và đặc biệt khá thơm. Khi ăn bưởi Hoàng bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh không ngắt khá vừa miệng.
Đây là giống bưởi được nhân bản vô tính. Cây con giống mang tất cả các đặc tính của cây mẹ là sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất khá cao. Cây cho ra trái khá ổn định và đặc biệt chỉ trồng sau 18 tháng đã có thể cho ra lứa quả đầu tiên.
Tép bưởi hoàng có màu trắng ngọc và có vị ngọt thanh
Lưu ý khi chăm sóc bưởi năng suất cao
Nhiệt độ trồng bưởi
Nhiệt độ là yếu tố quan trọng đối với sinh trưởng cũng như năng suất, chất lượng của bưởi, do đó việc chọn vùng trồng bưởi trước hết phải xem xét yếu tố nhiệt độ phù hợp không.
Bưởi có thể trồng ở vùng nhiệt độ từ 12 – 39 độ C, trong đó nhiệt độ thích hợp nhất là từ 23 – 29 độ C. Nhiệt độ thấp hơn 12,5 độ C và cao hơn 40 độ C cây ngừng sinh trưởng.
Đất trồng
Để có 1 trái bưởi ngon, đất trồng bưởi thích hợp phải là đất có tầng dày từ 1 m trở lên, giàu mùn, thoát nước tốt, thành phần cơ giới cát pha hoặc thịt nhẹ và địa hình hơi dốc từ 3 – 8 độ.
Trên thực tế, các vùng trồng bưởi nổi tiếng đều nằm ở ven sông, suối, trên các loại đất phù sa cổ, phù sa được bồi và không được bồi hằng năm, đất sa thạch cuội kết có thành phần cơ giới nhẹ, xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng.
Ánh sáng
Bưởi ưa sáng hơn các loài cây có múi khác, song vẫn cần chế độ ánh sáng thích hợp. Tốt nhất là ánh sáng tán xạ, nên để phát triển cây bưởi cần có những biện pháp kỹ thuật thích hợp điều chỉnh chế độ chiếu sáng như trồng dày hợp lý, cắt tỉa cành, trồng cây che bóng…
Chăm sóc bưởi
Lượng bón phân chuồng: 15 tấn/ha, 300 kg vôi bột/ha; 250 kg đạm urê/ha, 450 kg supe lân/ha, 300 kg kali/ha.
Bón sau thu hoạch gồm 100% hữu cơ + lân + vôi bột; tháng 2-3, bón thúc cành xuân và đón hoa gồm 60% urê + 40% kali; tháng 7 – 8, bón thúc cành thu và tăng trọng quả gồm 40% urê + 60% kali.
Bón phân hữu cơ, lân, vôi bột bằng cách đào rãnh quanh vòng tán, rộng 20 – 40 cm, sâu 25 – 40 cm; trộn đều phân với đất bón vào rãnh sau đó lấp lại và tưới đẫm nước. Đạm và kali rắc quanh tán, xăm nhẹ, tưới đẫm nước, tránh đứt rễ.
Phòng trừ sâu bệnh cho bưởi
Đối với sâu vẽ bùa: Sử dụng dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC pha ở nồng độ 0,7% phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi lộc xuân ra đều hoặc Polytrin 400 EC pha ở nồng độ 0,1%, phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi có trên 10% lá hại để phòng trừ.
Nhện đỏ, rệp sáp: Sử dụng dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC pha ở nồng độ 0,7% phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi có trên 10% lá hại để phòng trừ.
Sâu đục thân, đục cành: Nếu phát hiện có lỗ sâu thì dùng Ofatox… pha loãng, bơm hoặc tẩm bông nhét vào lỗ sâu, sau đó dùng đất dẻo bịt lại.
Sâu xanh bướm phượng: Dùng thuốc sinh học V-BT hoặc nước chiết xuất nấm ký sinh từ các cá thể bị ký sinh phun trở lại vườn.
Bệnh chảy gôm: Cắt bỏ những cành bị bệnh nặng, cạo sạch vỏ xung quanh vết bệnh, dùng Aliette 80WP pha 3g/l hoặc Ridomil MZ 72 WP pha 30g/l quét đẫm lên vết bệnh khi bệnh mới xuất hiện.
Tỉa cành, tạo tán cho cây ngay sau trồng năm thứ nhất. Loại bỏ kịp thời các cành gầm, cành vượt, cành và lá cây bị sâu bệnh, tạo độ thông thoáng cho vườn, hạn chế sâu bệnh phát sinh, tăng cường khả năng sinh trưởng, phát triển của cây.
Kỹ thuật tác động thúc cây ra nhiều quả: Trước thu quả 1 tháng dừng tưới nước vườn cây; khi kết thúc thu quả cần cắt tỉa sâu, kết hợp bón phân theo rãnh đào quanh tán cây (cách gốc 50 – 60 cm), có tác dụng kích thích cây ra nhiều hoa, nhiều quả. Khi vườn bưởi ra nụ đồng loạt cần tưới dưỡng ẩm trở lại.
Cách thu hoạch:
Thu hoạch quả vào ngày nắng ráo, tránh các ngày có mưa, thời tiết âm u. Trong ngày, nên hái quả từ 8 – 10 giờ sáng (không thu quả vào sáng sớm, hoặc chiều tối khi có sương. Nếu vận chuyển đi xa, cần phơi bưởi dưới nắng nhẹ 6 – 8 giờ cho mềm vỏ quả, tránh trầy xước, giập vỏ.